Sáng tạo để tăng giá trị sản phẩm gỗ

266

Sáng tạo không chỉ là thiết kế sản phẩm, đa dạng mẫu mã, định hướng thị trường và cả người tiêu dùng, sáng tạo còn là việc tạo ra một chuỗi liên kết cùng được hưởng lợi và đẩy giá trị sản phẩm cuối cùng đến mức cao nhất. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trong Hội nghị đánh giá kết quả năm 2020 và bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 cuối tháng 3 vừa qua.

Sáng tạo trong thời dịch Covid-19 làm lay chuyển chuỗi cung và thay đổi nhu cầu chi tiêu của toàn cầu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lấy ví dụ từ ngành công nghiệp cà phê, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: “Nhìn vào hình ảnh của cà phê Việt Nam mới thấy hết sức sáng tạo của các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Sản phẩm cà phê Việt Nam đa dạng mẫu mã, chất lượng hàng đầu thế giới, và liên tục tạo ra các sản phẩm mới, hình ảnh mới, tạo ra sự định vị thương hiệu cà phê Việt Nam trên toàn cầu. Nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp cà phê như phương tiện, thiết bị, máy móc rất không đáng kể, nhưng thông qua chế biến, sáng tạo nó làm cho giá trị của sản phẩm vô cùng cao”.

Đất nước nào phát triển cũng phải công nghiệp hóa, cũng phải chế biến, và giá trị gia tăng muốn tăng lên cũng phải qua chế biến, qua công nghiệp. Đây là điều mà ngành lâm nghiệp nói chung và ngành gỗ nói riêng cần phải chú trọng. Nâng cao sức sáng tạo, cũng không được quên đi việc nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. Nhưng trong chuỗi cung ngành gỗ, người trồng rừng là đối tượng được hưởng lợi ít nhất, có vẻ chuỗi cung ứng của ngành gỗ đang mất cân đối giữa các đối tượng hưởng lợi mà mới tập trung nhiều nhất lợi ích vào các nhà chế biến gỗ. 1,4 triệu hộ trồng rừng thì đang rất khó khăn.

Theo ông Hà Công Tuấn, ngoài các chính sách xã hội và sự hỗ trợ của nhà nước, các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, ngành công nghiệp chế biến gỗ đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng 15 năm qua và thu nhâp trên một đơn vị diện tích của rừng trồng đã tăng lên gấp 3 lần. Tức là người trồng rừng được hưởng, so với hơn một thập kỉ trước, 1 m3 gỗ rừng trồng khi đó chỉ có giá trị 400 nghìn VNĐ, bây giờ giá trị tối thiểu là 1 triệu VNĐ. Đây chính là thành quả gián tiếp mà ngành công nghiệp chế biến gỗ mang lại. Thu nhập của người trồng rừng lên cao lên như thế, rõ ràng nhờ sáng tạo của công nghiệp, nhờ đầu tư của toàn ngành gỗ. Nếu phân phối lại lợi nhuận thì rõ ràng cơ chế chính sách thì sẽ có thêm lợi nhuận cho người trồng rừng thông qua cơ chế giá. Cùng với đó là gắn kết với nhau, hợp tác làm ăn với nhau, tạo ra vùng nguyên liệu. Thông qua hỗ trợ đầu tư trong việc trồng rừng cũng như ký các cam kết với nhau làm chứng chỉ rừng bền vững, thông qua việc bao tiêu sản phẩm.

Đây chính là mối quan hệ bền vững và đây cũng là nét tự nhiên trong sự phát triển của bất kỳ ngành công nghiệp nào và quốc gia nào. Hiện nay, người dân đã tự nguyện trồng rừng. Ngay cả ở vùng đồng bằng sông Cửu long, nếu trước đây, người dân phá rừng để nuôi trồng thủy sản thì xu hướng đang chuyển dịch ngược trở lại: Chuyển diện tích trồng lúa nước sang trồng rừng tràm công nghệ cao, có đầu tư thấp, đỡ vất vả hơn nhưng thu nhập tương đương thậm chí cao hơn so với trồng lúa. Đây là lợi ích mà ngành gỗ không thể đong đếm được, và tất cả đều phải dựa trên sự sáng tạo.

Mai Vũ (Gỗ Việt số 132, tháng 04/2021)

BÌNH LUẬN