Luật Quảng cáo: Tổng hợp những nội dung đáng chú ý nhất 2019

1598

1. Cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ

Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm:

– Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; Thuốc lá; Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực;

– Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; Bình bú và vú ngậm nhân tạo;

– Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;

– Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

Cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ theo Luật Quảng cáo (Ảnh minh họa)
2. Chỉ được ngắt chương trình phim truyện để quảng cáo 2 lần

Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình sau theo Điều 22 Luật Quảng cáo 2012:

– Chương trình thời sự;

– Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Bên cạnh đó, mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.

Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
3. Tự ý dùng hình ảnh người khác để quảng cáo bị nghiêm cấm

Khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định không được quảng cáo bằng việc sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Hoa hậu Đặng Thu Thảo từng bức xúc vì hình ảnh bị quảng cáo trái phép (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý.
4. Không gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo đến 1 số điện thoại trong 24 giờ

Điều 24 Luật Quảng cáo 2012 quy định tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông khi quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn phải đảm bảo:

– Chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận;

– Chỉ được phép gửi tin nhắn có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá 03 tin nhắn quảng cáo đến 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận;

– Phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo; phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn quảng cáo nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo và không được thu phí dịch vụ đối với thông báo từ chối của người nhận.
5. 03 trường hợp phải xin phép khi xây dựng công trình quảng cáo

Việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau đây theo Điều 31 Luật Quảng cáo 2012:

– Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 m2 trở lên;

– Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;

– Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 m2 trở lên.

03 trường hợp phải xin phép khi xây dựng công trình quảng cáo theo Luật Quảng cáo (Ảnh minh họa)

Khoản 3 Điều 31 quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo gồm có:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

– Bản sao có chứng thực một trong những loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với công trình quảng cáo đứng độc lập; hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu;

– Trường hợp công trình quảng cáo gắn với công trình đã có trước phải có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc người được giao quyền quản lý công trình đã có trước;

– Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có trước…
6. Tự ý dùng từ “nhất”, “số 1” trong quảng cáo bị phạt đến 100 triệu đồng

Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hành vi bị cấm tại khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 20 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
7. Không quảng cáo ở trước, sau và trên nóc phương tiện giao thông

Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông theo Điều 32 Luật Quảng cáo 2012. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.

Việc thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.

Không quảng cáo ở trước, sau và trên nóc phương tiện giao thông (Ảnh minh họa)

Điều 61 Nghị định 158/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CPquy định mức phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông;

– Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.

Trên đây là tổng hợp của luật quảng cáo về 07 điểm nổi bật và đáng chú ý của Luật Quảng cáo. Hiện nay, trên hệ thống của luật quảng cáo cũng đã cập nhật đầy đủ các văn bản liên quan trong lĩnh vực THƯƠNG MẠI-QUẢNG CÁO, quý khách hàng có thể tham khảo thêm tại đây.

BÌNH LUẬN